Tin tức & Bài viết

Những Lễ hội Sáng tạo làm giàu bền vững cho thành phố

Đăng ngày
18/11/2024

Lễ hội sáng tạo không chỉ là những sự kiện văn hóa đơn thuần mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của một thành phố. Khi được tổ chức một cách bài bản và có chiến lược, các lễ hội này có thể mang lại những lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa lâu dài. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo có thể coi như một trường hợp điển hình đóng góp cho sự phát triển bền vững của thành phố Hà Nội cũng như quốc gia.

Các lợi ích của lễ hội sáng tạo

Các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trên thế giới đã quan tâm và nhấn mạnh về vai trò, lợi ích của các lễ hội sáng tạo để từ đó tìm ra chiến lược phát triển bền vững cho thành phố, quốc gia. Beth Perry, L. Ager và R. Sitas (2020) - Đại học Salford đã khảo sát nghiên cứu về 18 lễ hội trên khắp Bắc và Nam bán cầu và kết luận lễ hội như những địa điểm tích hợp cho phát triển đô thị bền vững.

Trong bài công bố trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Di sản, tập 26, 2020 - Số 6, các tác giả này tập trung vào vai trò của các lễ hội văn hóa như là một công cụ tích hợp trong việc phát triển đô thị bền vững. Các lễ hội không chỉ là sự kiện văn hóa mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản, thúc đẩy gắn kết cộng đồng và tạo động lực cho phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Theo đó, vai trò của lễ hội trong bảo tồn di sản văn hóa là góp phần gìn giữ di sản văn hóa và kết nối cộng đồng với di sản. Các lễ hội thường xoay quanh các di sản văn hóa cụ thể, từ đó giúp duy trì và truyền tải giá trị di sản đến các thế hệ sau. Lễ hội là dịp để cộng đồng địa phương kết nối sâu sắc hơn với di sản, giúp hình thành cảm giác tự hào và trách nhiệm bảo tồn.

Lễ hội như là công cụ phát triển đô thị bền vững ở chỗ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo không gian công cộng tích cực, và hỗ trợ tái phát triển đô thị. Các lễ hội thu hút du khách và tạo ra nguồn thu đáng kể cho kinh tế địa phương qua các dịch vụ du lịch, ẩm thực và lưu trú. Các lễ hội biến các không gian đô thị thành địa điểm tụ họp, tăng tính kết nối và giảm sự tách biệt trong cộng đồng. Bằng cách làm sống động các khu vực đô thị ít được chú ý, lễ hội thúc đẩy quá trình phục hồi và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Các lễ hội giúp gắn kết cộng đồng và xây dựng quan hệ xã hội, thúc đẩy đa dạng văn hoá. Các lễ hội mang lại cơ hội cho người dân giao lưu, tăng cường sự hiểu biết và đoàn kết trong cộng đồng. Lễ hội là không gian mà người dân địa phương và khách quốc tế có thể cùng chia sẻ và hiểu biết về sự đa dạng văn hóa, từ đó nâng cao nhận thức về tính đa dạng và hòa nhập.

Trong những năm gần đây, đi cùng với các lễ hội sáng tạo là các Ngành Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo (CCIs) đã nổi lên như những động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển và tái sinh khu vực ở châu Âu.

Dimitrios Kalfas, Stavros Kalogiannidis, Đại sứ Vasilios, và Fotios Chatzitheodoridis - Đại học Tây Macedonia đã chỉ ra tác động và đóng góp của CCIs đối với các khu vực châu Âu, tập trung vào đóng góp kinh tế, xã hội và văn hóa của chúng. Dựa trên đánh giá tài liệu rộng rãi và nghiên cứu thực nghiệm, nghiên cứu này khảo sát vai trò của CCIs trong việc tạo việc làm, tăng trưởng GDP, đổi mới sáng tạo, gắn kết xã hội, bản sắc văn hóa, tái sinh đô thị và tái sinh các khu vực suy thoái.

Dữ liệu được thu thập bằng cách sử dụng các bảng câu hỏi khảo sát 345 người tham gia chính trong Ngành Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo của Hy Lạp. Các kết quả cho thấy CCIs tăng cường đáng kể cơ hội việc làm ở các khu vực châu Âu, với 74,4% số người tham gia thừa nhận vai trò của họ trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm. Hơn nữa, 71,4% thừa nhận đóng góp đáng kể của CCIs vào GDP khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng kinh tế của họ tương đương với các ngành công nghiệp truyền thống.

CCIs được coi là chất xúc tác cho sự gắn kết xã hội và bản sắc văn hóa, vì 75,6% số người được hỏi khẳng định vai trò của họ trong việc đoàn kết các cộng đồng đa dạng. Những kết quả này nhấn mạnh vai trò của CCIs với bối cảnh văn hóa và lịch sử hiện có của các khu vực này. Nghiên cứu cũng xác định các kết quả của phát triển và tái sinh khu vực, bao gồm cải thiện cơ sở vật chất giáo dục (21,7%), bảo tồn di sản văn hóa khu vực (14,6%) và tăng cường quan hệ kinh doanh (26,7%). Nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết toàn diện về đóng góp của CCIs đối với phát triển và tái sinh khu vực ở châu Âu. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực hành và các bên liên quan có thể sử dụng những phát hiện này để khai thác hết tiềm năng của CCIs cho sự phát triển khu vực bền vững và bao trùm.

Bên cạnh đó, dữ liệu công bố của UNESCO càng nhấn mạnh thêm lợi ích của công nghiệp văn hóa qua các lễ hội đóng góp cho phát triển bền vững. Với 3,1% của tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP) bắt nguồn từ công nghiệp văn hoá; 389,1 tỷ đô la Mỹ được tạo ra bởi việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ văn hóa vào năm 2019 (tăng gấp đôi kể từ năm 2015); 50 triệu việc làm được tạo ra bởi CCIs trên toàn thế giới, tương đương 6,2% tổng số việc làm trên toàn cầu; đáng kể là 48,1% của công nhân là phụ nữ trong lĩnh vực văn hóa và giải trí…

Các mô hình lễ hội sáng tạo thành công

Có thể kể tên không ít các mô hình lễ hội sáng tạo thành công, gây tiếng vang trên thế giới như Lễ hội Thiết kế Milan, Burning Man, Edinburgh Fringe Festival, Venice Biennale, Sydney Festival… Đây đều là những lễ hội sáng tạo đã định vị, giúp khẳng định các quốc gia Ý, Mỹ, Scotland, Úc là những nước phát triển văn hoá và tham gia sáng tạo vượt trội, bền vững trên trường quốc tế. Slovenia - một quốc gia có diện tích tương đối nhỏ và ít dân tại Trung Âu là trường hợp nghiên cứu cho thấy Lễ hội như những điểm thu hút văn hóa trong du lịch, giúp phục hưng, chuyển đổi kinh tế và phát triển bền vững cho đất nước ra sao.

Nghiên cứu của Sabriye Çelik - Đại học Balikesir và Ales Gacnik - Đại học Primorska phân tích vai trò và tác động của các lễ hội tại Slovenia trong bối cảnh du lịch văn hóa, với trọng tâm là sự đóng góp vào kinh tế, xã hội và quảng bá hình ảnh quốc gia. Về phát triển kinh tế, các lễ hội tạo cơ hội thu hút du khách quốc tế và nội địa, thúc đẩy chi tiêu vào các dịch vụ liên quan như lưu trú, ăn uống và vận chuyển. Năm 2013, Slovenia tổ chức 155 lễ hội với 3.432 sự kiện, thu hút 1.141.502 lượt khách tham gia, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia.

Về bảo tồn di sản văn hóa, Lễ hội góp phần giữ gìn và quảng bá di sản văn hóa thông qua các hoạt động trình diễn nghệ thuật, nhạc, phim, và triển lãm. Chẳng hạn, các lễ hội ở Slovenia như Lent Festival hay Ljubljana Festival không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được công nhận quốc tế.

Bên cạnh đó, các lễ hội giúp nâng cao hình ảnh thành phố, thành phố sử dụng lễ hội như một công cụ marketing để tạo nên hình ảnh sống động và hiện đại. Glasgow từng là "Thủ đô Văn hóa Châu Âu" năm 1990 và sử dụng các lễ hội để thay đổi hình ảnh từ một thành phố công nghiệp sang một điểm đến văn hóa hấp dẫn.

Lễ hội tăng cường sáng tạo và gắn kết xã hội, khuyến khích sự sáng tạo trong cộng đồng địa phương thông qua sự tham gia của các nghệ sĩ và tình nguyện viên. Ngoài ra, chúng còn tạo cơ hội kết nối giữa người dân địa phương và du khách, tăng cường hiểu biết và đoàn kết xã hội. Tại Việt Nam, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội đã góp phần đưa Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo của UNESCO, thu hút sự quan tâm của cộng đồng thiết kế trong nước và quốc tế.

Tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, các lĩnh vực sáng tạo được thể hiện qua hơn 100 hoạt động đa dạng, tập trung vào 12 ngành công nghiệp văn hóa tiêu biểu, bao gồm: Kiến trúc, Thiết kế (công nghiệp, thời trang, sản phẩm), Mỹ thuật, Trình diễn nghệ thuật, Điện ảnh, Quảng cáo, Xuất bản, Âm nhạc, Nghệ thuật đa phương tiện, Di sản văn hóa phi vật thể, Công nghệ sáng tạo, Thủ công mỹ nghệ.

Các hoạt động như hội thảo, trình diễn nghệ thuật, triển lãm tương tác, và các không gian sáng tạo ngoài trời đã thu hút sự tham gia của hơn 500 nhà thiết kế, kiến trúc sư, nghệ sĩ và người dân, phản ánh tinh thần hợp tác trong cộng đồng sáng tạo. Sự kiện nâng cao nhận thức về giá trị sáng tạo và phát huy vai trò của Hà Nội trong mạng lưới “Các Thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Dù chưa có nhiều khảo sát công bố số liệu cụ thể, kỹ lưỡng, Lễ hội này cũng đã và đang cho thấy sự đóng góp đáng kể vào việc tạo dựng thương hiệu sáng tạo của Hà Nội. Theo Bộ chỉ số Văn hóa cho Phát triển của UNESCO (CDIS) công bố - một công cụ vận động và chính sách bao gồm 7 chiều chính sách quan trọng, 22 chỉ số đánh giá vai trò đa chiều của văn hóa trong quá trình phát triển thông qua các sự kiện và số liệu, có thể thấy Lễ hội đang tham gia tích cực vào làm giàu bền vững cho thành phố.

Về thúc đẩy phát triển kinh tế, Lễ hội sáng tạo thu hút du khách, khuyến khích tiêu dùng và tạo thêm nhiều việc làm. Lễ hội sáng tạo thu hút một lượng lớn du khách, đem lại nguồn thu nhập cho các doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú, ăn uống. Các hoạt động mua sắm, ẩm thực liên quan đến lễ hội tạo ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp địa phương. Lễ hội tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực tổ chức sự kiện, nghệ thuật, dịch vụ. Về nâng cao hình ảnh thành phố, Lễ hội xây dựng thương hiệu thành phố như một điểm đến du lịch hấp dẫn và độc đáo. Lễ hội giúp xây dựng và quảng bá hình ảnh thành phố một cách tích cực, thu hút đầu tư. Thành phố Hà Nội tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội giúp phát triển cộng đồng, tăng cường gắn kết và khơi dậy tinh thần sáng tạo mạnh mẽ. Lễ hội tạo cơ hội cho người dân giao lưu, kết nối, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng. Lễ hội là nơi để mọi người thể hiện tài năng, sáng tạo, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần. Đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy di sản, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội thúc đẩy giao thoa, kết nối quá khứ và hiện đại, truyền bá văn hóa. Lễ hội sáng tạo lấy cảm hứng từ nhiều công trình di sản văn hóa như Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp (Đại học Quốc gia Hà Nội),… giúp bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Lễ hội giúp giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử của địa phương đến với du khách và thế giới.

Mặc dù các lễ hội mang lại nhiều lợi ích, cơ hội, song để tổ chức được một lễ hội sáng tạo thành công, hiệu quả cũng có không ít thách thức. Các thách thức đối với sự bền vững của lễ hội có thể kể đến như sự thiếu hụt nguồn tài chính ổn định, quản lý tác động môi trường. Các lễ hội cần có sự hỗ trợ tài chính bền vững để duy trì và phát triển. Để đảm bảo tính bền vững, cần có các biện pháp quản lý môi trường như giảm rác thải, kiểm soát tiếng ồn và tiêu thụ năng lượng hiệu quả trong các sự kiện. Các lễ hội muốn phát huy vai trò cần lựa chọn chủ đề phù hợp, xây dựng kế hoạch chi tiết, tăng cường quảng bá, xây dựng cộng đồng, không ngừng tự đánh giá và cải tiến. Chủ đề của lễ hội cần phản ánh bản sắc văn hóa của địa phương và thu hút sự quan tâm của công chúng. Kế hoạch tổ chức cần bao gồm các hoạt động cụ thể, ngân sách, thời gian thực hiện, đối tượng tham gia. Quảng bá lễ hội thông qua các kênh truyền thông đa dạng để thu hút đông đảo người tham gia. Tạo ra một cộng đồng những người yêu thích nghệ thuật, sáng tạo để cùng nhau tổ chức và tham gia lễ hội. Sau mỗi mùa lễ hội, cần đánh giá kết quả để rút ra kinh nghiệm và cải tiến cho các lần tổ chức sau.

Về phía Hà Nội, tỷ lệ khách quốc tế tham gia vẫn còn thấp, hạn chế tiềm năng quảng bá văn hóa và kinh tế. Hà Nội cần nâng cao quảng bá quốc tế, cải thiện nội dung và tổ chức các lễ hội sáng tạo hơn có thể tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu của mình. Như vậy, các lễ hội văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị bền vững, giúp gắn kết cộng đồng với di sản văn hóa, tạo động lực cho phát triển kinh tế và tạo dựng không gian công cộng tích cực. Để phát huy vai trò này, các thành phố cần chú trọng quản lý bền vững và đảm bảo nguồn lực cho các lễ hội trong dài hạn.

Lễ hội sáng tạo không chỉ là công cụ giải trí mà còn là phương tiện để làm giàu văn hóa và kinh tế cho thành phố. Với sự đầu tư đúng đắn và quản lý hiệu quả, các lễ hội có thể trở thành động lực bền vững giúp các thành phố phát triển toàn diện.

Lễ hội sáng tạo là một công cụ mạnh mẽ để phát triển bền vững cho thành phố. Khi được tổ chức một cách chuyên nghiệp và có tầm nhìn, các lễ hội này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và xây dựng một tương lai tươi sáng cho thành phố./.

Tài liệu tham khảo:

  • Beth Perry, L. Ager & R. Sitas (2020) Cultural heritage entanglements: festivals as integrative sites for sustainable urban development (Sự vướng mắc của di sản văn hóa: lễ hội như những địa điểm tích hợp cho phát triển đô thị bền vững), International Journal of Heritage Studies (Tạp chí Nghiên cứu Di sản Quốc tế), 26:6, 603-618, https://doi.org/10.1080/13527258.2019.1578987
  • Kalfas, D.; Kalogiannidis, S.; Ambas, V.; Chatzitheodoridis, F. (2024), Contribution of the Cultural and Creative Industries to Regional Development and Revitalization: A European Perspective (Đóng góp của Văn hóa và Các ngành công nghiệp sáng tạo đối với sự phát triển và phục hồi khu vực: Quan điểm của châu Âu). Urban Sci. 2024, 8, 39. https://doi.org/10.3390/ urbansci8020039
  • Sabriye Çelik Uğuz, Ales Gacnik (2015), Festivals as Cultural Attractions in Tourism: Case of Slovenia (Lễ hội như những điểm thu hút văn hóa trong du lịch: Trường hợp của Slovenia), Trong sách Tourism, Environment and Sustainability (Du lịch, Môi trường và Bền vững), (pp.278-293), Edition: 1 Chapter: Chapter 22, Publisher: St. Kliment Ohridski University Press, Sofia editors: Cevdet Avcikurt, Mihaela Dinu, Necdet Hacioğlu, Recep Efe, Abdullah Soykan