Tin tức & Bài viết

“Kích hoạt” những tiềm năng sáng tạo trong mỗi người

Đăng ngày
18/11/2024

Khả năng sáng tạo luôn sẵn có trong mỗi con người. Nhưng cuộc sống thường làm nó bị ẩn đi. Và nếu có ý định khởi nghiệp bằng sáng tạo, vô số những câu hỏi sẽ đặt ra. Đơn cử như sáng tạo đó có được cộng động chấp nhận không, liệu có quá… kỳ quặc không? Lễ hội Thiết kế Sáng tạo vừa đem đến câu trả lời, vừa gợi mở những ý tưởng, và kết nối thị trường, kết nối những con người có đam mê sáng tạo, kích hoạt những tiềm năng trong mỗi con người.

Sáng tạo là không giới hạn

Những chiếc xô nhựa, ống tre, ống nhựa… làm nên những bản hoà ca lạ lẫm mà thú vị. Đó là cảm nhận của nhiều người khi đến Cung Thiếu nhi Hà Nội tham gia workshop “Trạm Chơi - Những thanh âm ngẫu hứng” – hoạt động do nghệ sĩ Ian Richter và giám tuyển giáo dục Ngụy Hải An và Ban Tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 thực hiện.

Không chỉ được nghe, bất cứ vị khách nào cũng có thể được chơi những nhạc cụ “lạ đời” ấy. Mỗi nhạc cụ độc đáo không chỉ phát ra những âm thanh mới mẻ, mà còn đem theo thông điệp về môi trường. Chia sẻ về cảm hứng tổ chức workshop, giám tuyển Ngụy Hải An bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn tạo ra một không gian linh hoạt mà mỗi người tham dự đều có thể chơi nhạc ngẫu hứng không cần biết quá nhiều về chuyên môn. Những nhạc cụ được tạo ra từ việc tận dụng những vật liệu tái chế như xô, khung sắt, tre, gỗ... để mang lại sự gần gũi, quen thuộc cho người chơi”.

Người ta có thể học được rất nhiều từ workshop nho nhỏ này. Đó là những vật dụng trong nhà, tưởng như đã không còn sử dụng, nhưng chúng lại có thể tái sinh trong một đời sống mới, đem đến công năng mới. Thậm chí, công năng ấy có thể ẩn chứa những điều thú vị bất ngờ.

Cũng ở Cung Thiếu nhi, trong khu nhà Ấu Trĩ viên (kiến trúc thời Pháp), những đứa trẻ lại vô cùng hào hứng với “tác phẩm sắc màu” mà chúng tạo ra trong “Hành trình đi tìm Amadeus Dân Tân”. Những tác phẩm của Vũ Dân Tân đều khá khó hiểu với phần đông những người không am tường nghệ thuật. Nhưng khi các bạn nhỏ lấy những mẩu giấy bóng kính màu, được cắt sẵn những đường nét tạo hình mang thương hiệu Vũ Dân Tân rồi lồng vào nhau, tất cả đều reo lên trong vui thích và kinh ngạc khi giơ “tác phẩm” của mình lên trước ánh mặt trời. Bọn trẻ nhận được những tác phẩm sáng tạo “không báo trước”. Dưới ánh sáng mặt trời, bức tường hiện lên những hình ảnh thú vị đầy màu sắc. Chúng được sáng tạo cùng cố hoạ sĩ Vũ Tân Dân.

Không ít người vẫn nghĩ trẻ tự kỷ là một “gánh nặng”. Nhưng triển lãm “Chèo Méo” lại đem đến cho cộng đồng một cái nhìn khác. Hàng loạt tác phẩm cho thấy sức sáng tạo đến bất ngờ của các em được giới thiệu. Trẻ tự kỷ có một cái nhìn riêng về cuộc sống. Mà với nhiều em, cái nhìn đó đầy trí tưởng tượng sáng tạo ngay với người bình thường. Triển lãm không phải “khoe” tài năng của các em mà nhà tổ chức mong muốn một sự đồng cảm từ cộng đồng. Và nếu được đánh thức đúng phương pháp, các em sẽ thể hiện được những khả năng của mình.

Nhiều người còn băn khoăn về những ý tưởng sáng tạo của mình, thì Lễ hội đem đến câu trả lời. Hãy cứ thể nghiệm và thể hiện. Sáng tạo là không của riêng ai và không giới hạn.

Gặp gỡ, kích hoạt những ý tưởng

Hội chợ Makers Market - Child Routes do Hanoi Indie Troupe (HIT) tổ chức tại Rạp Công nhân (số 42 Tràng Tiền) diễn ra trong 3 ngày để lại nhiều tiếc nuối. Giá như nó được tổ chức sớm hơn, hay… lâu hơn. Thủ công mỹ nghệ là một trong những lĩnh vực của công nghiệp văn hoá. Nhưng không ai ngờ người ta có thể sáng tạo ra cả thế giới muôn màu, muôn sắc như thế.

Thí dụ như từ những sợi len, các bạn trẻ có thể làm ra cả một… vườn thú ngộ nghĩnh; hay cả một “lô” trang sức, phụ kiện, gồm: Hoa tai, cặp tóc, băng đô, túi xách… không chỉ một mà nhiều nhà sản xuất đem đến, mỗi nhà sản xuất lại là một thế giới sắc màu, phong cách riêng. Hay đơn giản như chiếc cốc đựng nến, đèn xông tinh dầu bằng gốm, cũng là những câu chuyện đa sắc thái văn hoá. Chiếc gợi lại những màu gốm xưa cũ, có cái lại mang đến hình ảnh cá tính khi khai thác các hoạ tiết từ trang trí của thổ dân vùng Thái Bình Dương…

Còn nếu muốn có một món đồ trang sức, đó cũng là một thế giới đa sắc màu, đa chất liệu. Không chỉ những chất liệu truyền thống như kim loại quý, đá quý, mà có cả đồ da, đồ đan len, hoặc “phối” trộn đa chất liệu, tạo thành những món đồ trang sức “độc bản”.

Bất cứ một món đồ trang trí, đồ trang sức, phụ kiện thời trang nào cũng đều được chế tác công phu, với những các phối màu, phối chất liệu và sáng tạo về thiết kế không đụng hàng. Đấy không chỉ là câu chuyện của những nhà sản xuất. Thế giới đồ handmade được “trình diễn” ở Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024 gợi mở những ý tưởng mới lạ cho bất kỳ ai muốn khởi nghiệp bằng con đường này. Họ có thể “điền vào chỗ trống” của những loại hình thủ công mỹ nghệ còn thiếu trên thị trường. Họ cũng có thể nối dài một vài ý tưởng mình bắt gặp trong những Hội chợ.

Lễ hội còn là sự tương tác giữa các nhà sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, từ đó, mở ra những cơ hội hợp tác.

Trong nhiều diễn đàn, toạ đàm được tổ chức, có lẽ, trong những lần tổ chức sau, cần một diễn đàn, một cuộc toạ đàm dành riêng cho nhóm ngành thủ công mỹ ngh – điều còn thiếu ở Lễ hội lần này, để những nhà sáng tạo đầy năng lượng tăng tính kết nối, tăng khả năng chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác.

Câu hỏi cho… người lớn

Lễ hội là cuộc “ra quân” của những nhà sáng tạo trẻ, khi gen Y, gen Z chiếm số lượng áp đảo. Gen Y, gen Z được giao những trọng trách lớn. Đó là Nguyễn Quốc Hoàng Anh, đạo diễn của đêm khai mạc và Lễ diễu hành sáng tạo. Đó là Vân Đỗ, Thuận Uyên, Minh Hiếu, giám tuyển của một chương trình “cực nặng”: Đại triển lãm Cung Thiếu nhi – Hoài niệm cho tương lai. Ba giám tuyển phải làm việc cật lực trong nhiều tháng trời để hoàn thiện ý tưởng đưa 41 triển lãm, trưng bày, hoạt động có thể kết hợp với nhau trong một không gian rộng lớn, với những công trình kiến trúc khác nhau ở Cung Thiếu nhi, làm thế nào để những trường phái nghệ thuật đương đại gần hơn với cộng đồng…

Còn ở Hội chợ Makers Market - Child Routes, không dễ để tìm được những gương mặt quá tuổi 35. Một cộng đồng sáng tạo trẻ đã và đang hình thành.

Ngay cả những bộ môn nghệ thuật trình diễn, Lễ hội cũng đem đến sự khác biệt. Từ “Quan âm Thị Kính”, VICH phối hợp cùng Tổ chức giáo dục Edudu và đạo diễn Ninh Quang Trường  chuyển thành “Thị Mầu xuyên không”. Ê-kíp thực hiện đã bám sát cốt truyện gốc nhưng có nhiều cải biên để phù hợp với khán giả trẻ. Xây dựng kịch bản dưới góc nhìn từ các nhân vật xuyên không, lời thoại của các nhân vật còn được lồng ghép nhiều câu từ hiện đại và hài hước, như “flex”, “nhà có điều kiện”… tạo ra sự gần gũi, cuốn hút. Các nhân vật nổi tiếng như Thị Kính, Thị Mầu, Thiện Sĩ, Mãng Ông và Mẹ Đốp được tái hiện sinh động và mới mẻ. Trước và sau vở diễn, khán giả còn được tham gia  các Trạm trải nghiệm với nghệ thuật Chèo được thiết kế thành hoạt động game trí tuệ, game tương tác giúp khán giả được khám phá di sản văn hoá một cách năng động và sinh động.

Giữa “Quan âm Thị Kính” và “Thị Màu xuyên không” là một khoảng cách lớn. Nếu đem nguyên “Quan âm Thị Kính” diễn cho giới trẻ theo “lối xưa”, hẳn sẽ khó thu hút khán giả trẻ với sự cách tân, sáng tạo như “Thị Màu xuyên không”. Chính những nhà sáng tạo thế hệ mới đã đem đến câu hỏi dành cho “người lớn”, nhất là những nhà quản lý trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nếu không có sáng tạo, khoảng cách từ di sản đến thế hệ trẻ sẽ có nguy cơ ngày càng giãn rộng.

Bản thân những dòng người xếp hàng để đến khám phá kiến trúc Đông Dương của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội, xưa thuộc Đại học Tổng hợp và Đại học Đông Dương), Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ) cũng đặt ra những câu hỏi mới. Nhu cầu khám phá, tìm hiểu di sản kiến trúc của nhân dân là rất lớn. Vậy những công trình đó sẽ làm gì tiếp theo để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, vừa lan toả những giá trị văn hoá, lịch sử?

Sáng tạo khẳng định bạn là ai

110 hoạt động của Lễ hội đã khép lại. Từ triển lãm, trưng bày, trình diễn, toạ đàm… yếu tố sáng tạo luôn là xuyên suốt. Trong một thế giới “phẳng”, sáng tạo tạo ra sự khác biệt và khẳng định bạn là ai trong thế giới này. 110 hoạt động trải rộng trên 12 lĩnh vực đưa ra cho mỗi người vô vàn gợi ý, từ những ý tưởng sáng tác âm nhạc, những mới lạ của nghệ thuật thị giác, cho đến những độc đáo, sáng tạo của nghề thủ công… Tinh thần sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà sáng tạo… lan toả đến cộng đồng. Để từ đó, cộng đồng lại làm giàu thêm tính sáng tạo trong những lĩnh vực khác nhau của cuộc sống mà trước hết là các lĩnh vực công nghiệp văn hoá.